Có khuôn mặt ló ra án ngữ trước mặt anh, đôi mắt trong sáng nghi hoặc.
“Này, có đúng là anh quen biết chị em đã năm năm rồi không?”
Nguyên khẽ gật đầu.
“Là thằng đệ thân thiết nhất của chị em?”
Nguyên hơi nhíu mày vì cụm từ “thằng đệ” nhưng vẫn trả lời, “Cái đó thì em phải hỏi chị em chứ???”.
Vẻ mặt cô bé đầy kinh ngạc, “Thế cớ sao anh có thể chô mối tình những năm năm mà không bày tỏ với chị em một lời?”.
Nguyên chết sững, nhìn Minh kinh ngạc không kém. Làm sao cô bé này biết, chẳng lẽ Phươn Vinh…
Minh bĩu dài môi, xì một cái đầy khinh bỉ, “Thôi đi, anh đừng có nghĩ xa vài kilomet thế. Ngó cái cách anh nhìn chị em là em bắt bài luôn rồi…”.
Nguyên, lúc này thực sự cảm thấy đau đầu.
Như lời hẹn, Minh chính thức đến làm việc ở công ty anh vào một ngày đầu tháng. Buổi sáng hôm đó, một cô gái, sơ mi trắng rộng, xắn cao tay quá khuỷu tay, quần bò, giày ba ta, vai đeo cái ba lô to tổ chảng, mỉm cười tươi rói xuất hiện trước mặt anh.
“Sếp ơi, em có mặt.”
Nguyên hất hất mặt về phía cái ba lô kia, “Sao, ở đây không có chuyện ăn quả khế, trả cục vàng đâu mà mang cái túi ba gang to thế kia”.
Minh kéo ghế, ngồi đối diện với anh, rất ngay ngắn.
“Là thói quen ạ. Ba lô của em là vật bất ly thân, chỉ cần có nó, bất cứ lúc nào em cũng có thể lên đường…”
“Lên đường đi đâu?”
“Dạ, tuỳ ạ.”
“Tuỳ cái gì???”
Minh cười vui vẻ, khoe ra hàm răng trắng xinh đều tăm tắp, “Dạ, thì tuỳ hứng ạ, hì hì”.
Không thể không thừa nhận cô bé rất đáng yêu nhưng Nguyên vẫn hải nghiêm mặt, anh gõ nhẹ lên bàn.
“Nhưng đây không phải là chỗ tuỳ hứng. Khi em là một bộ phận trong guồng máy ở đây, em không thể tuỳ hứng được. Mà, điều quan trọng đầu tiên là trách nhiệm. Anh sẽ không nương tay với em đâu!”
Ngập ngừng giây lát, Nguyên nói thêm, “Trước đây, chị Vinh cũng chưa từng nương tay với anh”.
Lập tức, Minh ngồi nghiêm ngắn.
“Thật ra em không thích và cũng chẳng cần anh nương tay đâu ạ. Anh cứ thẳng tay trừng trị, em tin rồi em sẽ trưởng thành thôi.”
Nguyên nhìn cô, mỉm cười, “Được rồi, vây thì nói co anh nghe xem, em có ưu điểm gì nào?”
Minh ngồi im, ngửa mặt lên trần một lúc, đôi mắt đen chớp chừng năm lần thì mở ra, nhìn anh.
“Em đủ khoẻ mạnh để đáp ứng công việc tốt này. Về năng lực, em tốt. Bản chất, em tốt, rất hoà đồng lại còn vui vẻ. Hoạt động phục vụ cộng đồng rất tốt. Em có kinh nghiệm viết bài này, cũng có quen một vài đầu báo này. Em thuộc cung Thiên Bình, cho nên những cái gì thuộc về sáng tạo em rất khá này… À đấy, trong hồ sơ của em có đủ hết rồi. Anh xem, nhớ kỹ một thông tin nhé…”
Nguyên rút hồ sơ của Minh ra xem, nhướng mày.
“Thông tin gì?”
“Hì hì. Ngày sinh nhật em ạ. Em thích quà sinh nhật lắm, tất nhiên, quà ngày bình thường càng thích ạ.”
“Công ty này không có văn hoá sếp tặng quà cho nhân viên.”
“Mọi nền văn hoá đều cần bước khai phá đầu tiên. Anh cứ xem như ở công ty này, em là người có công mở đường đi.”
Nguyên quyết định không dể cô bé này cãi chày cãi cối với mình, bèn nghiêm mặt nhìn cô. Vẻ nghiêm nghị của anh làm cô bất giác ngồi thẳng lên, nhìn anh chờ đợi. Mãi không thấy anh nói gì, cô liền nói khẽ, mặt vẫn không quên tươi cười.
“Anh đừng làm mặt nghiêm trọng như vậy. Khi anh làm mặt nghiêm, mọi thứ vô hình trung sẽ nghiêm trọng theo. Nếu anh không thể nhớ nổi ngày sinh của em, hay không muốn, hoặc không có ý định tặng quà cho em, thì phần thiệt thòi là của em cơ mà. Cho nên, anh không cần bực.”
Nguyên rất muốn cười, cái lý luận gì thế không biết, nhưng cố nén lại. Anh nhìn cô, nói khẽ, “Trước khi bỏ học, em từng học qua Triết học rồi đúng không?”.
Minh gật đầu, “Vâng, em được 9 điểm. Cả khoa đồn lên là thần kinh em có vấn đề”.
Nguyên lại phải né cười lần nữa. Anh hắng giọng, “Có nhớ thuyết chính danh của Khổng Tử không?”.
Minh đáp như cái máy, “Dạ, danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thổ thủ túc”.
Cô xổ ra một hơi, rồi nghiêm ngắn giải nghĩa luôn, “Mấy câu ấy nghĩa là: Danh không chính thì lời nói chẳng thuận, lời nói không thuận thì việc chẳng nên, việc không nên thì lễ nhạc chẳng hưng vượng, lễ nhạc không hưng vượng thì hình phạt chẳng trúng, hình phạt không trúng ắt dân không biết xử trí ra sao. Cho nên phải ‘Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử’. Nghĩa là vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con. Tức là người nào ở vị trí nào thì phải ứng xử ở vị trí đó, không được lẫn lộn, không được tuỳ tiện, phải tuân theo phép tắc, quy củ của xã hội đã quy định ạ”.