“Thói quen sao? Thói quen như thế là không tốt đâu.”
Mặt sếp Huân Kều nhíu lại, ôi, bình thường mặt sếp giãn ra bao nhiêu cũng không thể đẹp trai lên được, giờ lại nhíu mặt chau mày thế này thật khó coi quá. Sếp Kều tủm tỉm cười, lôi trong túi áo ra chiếc khăn tay tôi đưa cho sếp bịt mũi từ hôm trước.
“Anh trả lại chiếc khăn hôm trước em cho anh mượn.”
“Ô! May quá! Em cứ tưởng mất luôn rồi cơ!”
Ối giời ơi! Cái mồm, cái mồm thật là đáng chết! Khổ quá, sao cái mồm luôn hại cái thân thế nhỉ. Tôi bối rối che miệng, sếp Huân Kều cười sảng khoái khiến cả văn phòng quay lại nhìn chúng tôi như người ở hành tinh khác đến vậy.
“Sao? Em nghĩ là anh sẽ lấy nó luôn mà không trả à?”
Tôi hoảng hốt phân bua:
“Không! Ý em là... em quên mất là đã đưa nó cho sếp, em tưởng em vứt đâu mất rồi.”
Sếp Huân Kều gật gật đầu:
“Anh cũng định chôm luôn, nhưng nghĩ lại, chắc em chẳng có cái khăn nào ngoài cái này nên trả lại đấy!”
Tôi cố gắng cười một cách tự nhiên nhất, đón lấy chiếc khăn rồi cho vào túi. Sếp Kều đi được mấy bước chợt quay lại nói nhỏ:
“Hôm nay ăn mặc có vẻ không giống em ngày thường cho lắm! ... À mà... chắc em phải thay dầu gội khác đi, sẽ gặp nhau nhiều đấy!”
Tôi sững người, không kịp nghĩ gì nhiều nên “vâng” đại một tiếng cho xong. Sếp Kều thong thả rời phòng làm việc, nhưng sếp không biết rằng sếp vừa “thả” một cơn sóng thần cực mạnh vào phòng này. Bằng chứng là sau đó, tôi ngoái lại thấy tất cả ánh mắt ở trong phòng đều mở to hết cỡ nhìn tôi, cái nhìn vừa bàng hoàng, vừa sửng sốt, vừa xen lẫn sự đố kỵ. Thôi xong, lại gây thị phi tiếp rồi. Trăng Thanh ơi là Trăng Thanh, cứ cố chăm chỉ hiền lành bao nhiêu cũng không thể thoát khỏi những tình huống gây nhiều lời đồn thổi. Tôi muốn sống yên ổn mà nào có được đâu, mà cái ông sếp Huân Kều này cũng kỳ cục thật, còn bao nhiêu chỗ kín đáo hơn thì không tận dụng, lại cứ nhất định “xông” vào chỗ “tai vách mạch rừng” làm gì chứ.
Cả ngày hôm ấy, trong lúc tôi cắm cúi tìm ý tưởng lên kịch bản cho buổi biểu diễn show Mùa Xanh của đối tác New Style thì các bạn đồng nghiệp tụm năm tụm ba xì xào với nhau, thi thoảng có người liếc về phía tôi tỏ vẻ cảnh giác lắm. Tôi thừa biết nhân vật trung tâm của câu chuyện là ai, cũng thừa biết họ sẽ bàn tán những gì, nhưng, thôi kệ, mình đã trót gây nên thị phi thì hãy chấp nhận đương đầu với nó. Mà cách đương đầu tốt nhất vào lúc này là cứ bơ đi, coi như không biết, không nghe, không thấy cho nhẹ lòng.
Chương 10.2
Tôi đã cố tình tảng lờ những soi mói quanh mình, nhưng cái môn “đưa chuyện” này thật lạ, mình càng bơ đi thì nó càng lan nhanh. Việc buôn chuyện cứ như một món ăn, người đầu tiên nếm được, thấy nhạt bèn cho thêm ít muối để người thứ hai thưởng thức, cứ thế, người thứ hai cho thêm ít đường, người thứ ba cho thêm quả ớt... Và khi, món ăn đó không thể cho thêm một thứ gia vị nào nữa thì nó được đặt lên bàn và mọi người xúm quanh nó để mổ xẻ, phân tích, phê phán và rao giảng đạo đức như chính họ mới là bậc vĩ nhân trong sáng vô ngần vậy. Tôi thì chả bao giờ dám nhận mình trong sáng, thánh thiện, cũng chẳng bao giờ dám mở mồm ra rao giảng đạo đức với ai, đơn giản vì bản thân tôi chả bao giờ tin vào lời nói của những kẻ thường lên mặt, vỗ ngực nói với người đời rằng tôi sống tử tế cả. Tôi nghĩ, phàm những kẻ mở miệng là lý luận về đạo đức thì chưa chắc họ đã sống đúng với lời họ nói ra.
Cả ngày làm việc mà thi thoảng vẫn phải đối diện với những cái liếc trộm rất “chuyên nghiệp” của các chị mái già trong phòng làm một đứa phớt đời như tôi cũng cảm thấy khó chịu. Tôi định bụng sẽ trốn về sớm, đi lang thang ăn uống gì đó cho đỡ bị stress thì có điện thoại của Bắp Ngô. Ô, sao anh chàng này luôn luôn xuất hiện đúng lúc tôi có nhu cầu ăn uống, chẳng lẽ thượng đế gửi hắn xuống để phục vụ cái dạ dày của tôi sao? Nếu thế thật thì con xin cảm ơn thượng đế nhiều lắm, vì nhờ có ngài mà từ hồi quen hắn đến giờ con không tốn một xu tiền ăn chơi nào.
Bắp Ngô nói ngắn gọn là đang định qua đón tôi đi chơi. Tôi như người chết đuối vớ được cọc, vội vã đọc địa chỉ công ty cho hắn rồi ôm túi chuồn khỏi phòng ngay lập tức. Tôi thà xuống sớm để đứng ngắm nghía đường phố một tí còn hơn là ngồi dè chừng lời ong tiếng ve trong văn phòng cho nhức đầu. Thực ra, tôi chả bao giờ bực mình vì lời dị nghị của những người không liên quan đến cuộc sống của mình, nhưng đôi khi cũng có cảm giác thật ngột ngạt khi phải đối diện với nó một cách bất đắc dĩ như thế này. Nếu bạn là trung tâm của mọi sự chú ý, bạn sẽ hiểu cảm giác ngộp thở và bí bách giống tôi thôi.
Bắp Ngô phi xe máy đến, lướt qua tôi rồi bất chợt phanh xe ngoái đầu nhìn lại. Hắn vòng xe lại, mặt gườm gườm nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi chột dạ nhìn xuống cả người mình. Ô, có hở hang cái gì đâu mà nhìn khiếp thế? Bắp Ngô đẩy cặp kính trễ dưới sống mũi lên cao rồi gằn giọng: