“Đẹp nỗi gì, thấp ngang bằng tôi, mắt ốc nhồi, miệng rộng, mũi tẹt! Được mỗi cái làm sếp to thôi.”
Bắp Ngô gật gù:
“Thế á? Bà Vịt này thật là quá đáng, sao lại đánh giá cô...”
Tôi chồm lên, hùng hổ vung đũa, cảm giác bất mãn từ hôm trước đến giờ lại trào lên. Đấy, may mà Bắp Ngô hiểu được giá trị của tôi, chứ không đánh giá tôi quá thấp như bà Vịt Bầu, tôi uất bà ấy lắm mà nào có làm được gì. Hôm nay, nhân thể thấy Bắp Ngô hiểu được mình, tôi xởi lời cướp lời:
“Bà ấy đánh giá tôi quá thấp đúng không? Tôi uất mãi đấy.”
“Uất á? Tôi thì đang tức vì thấy bà ấy đánh giá cô quá cao đấy! Nhìn cô làm gì có dáng làm phu nhân của sếp to chứ!”
Ặc! Suýt nữa miếng thịt đang nuốt dở chẹn ngang họng, tôi hóc lên hóc xuống mấy lần mới đủ sức liếc một cái “căm hờn” về phía Bắp Ngô. Hắn vừa rót nước đưa cho tôi vừa an ủi:
“Thôi, sống phải biết nhìn thẳng vào sự thật chứ, ăn nhanh còn về!”
Còn lòng dạ nào để ăn nữa đây? Sao dạo này hắn luôn kiếm cớ để dìm tôi hết lần này đến lần khác thế nhỉ? Xung quanh tôi đàn ông tử tế biến đi đâu hết rồi? Bắp Ngô dường như thấy mặt tôi không lấy gì làm vui vẻ lắm nên đề nghị là sẽ mời tôi bữa hôm nay, còn hai trăm của tôi coi như để lần sau trả nợ. Nghe xong câu đó, lòng tôi bớt rầu rĩ hơn hẳn, những miếng thịt nướng vàng ruộm vì thế mà cũng ngon hơn bao giờ hết, dù sao, Bắp Ngô không đến nỗi quá tệ, đúng không?
Bắp Ngô thấy sắc mặt tôi hồng hào trở lại thì mặt cũng giãn ra vài ba phần. Hắn nhìn mặt tôi dò xét.
“Này, Chủ nhật này tôi không phải trực, chúng ta kiếm chỗ nào hay ho đi chơi xả stress đi.”
“Không được rồi, Chủ nhật này tôi phải lên trại dưỡng lão ở Sơn Tây.”
“Cái gì? Cô đã đến tuổi phải lên trại dưỡng lão rồi à?”
“Vớ vẩn! Tôi lên thăm bà tôi!”
“Tôi đưa cô đi nhé!”
“Tôi tự biết đường đi, nhờ vả bất tiện lắm.”
“Có gì mà bất tiện, tôi cũng muốn đi đâu đó để thay đổi không khí. Với lại, tiện thể tôi kiểm tra sức khỏe cho các cụ luôn, được không?”
Ô, tưởng gì chứ thế thì quá được, tôi gật đầu lia lịa mà không cần nghĩ ngợi thêm điều gì. Nhân tiện, tôi cũng “buôn” thêm tình hình ở trại dưỡng lão cho Bắp Ngô nắm rõ để hắn khỏi bị sốc. Bắp Ngô nghe tôi nói bằng gương mặt hân hoan thật sự. Nhìn hắn, tôi chợt cảm ơn cuộc đời đã run rủi cho tôi gặp một tay bác sĩ tuy hơi kỳ quặc nhưng có một tấm lòng rộng mở. Dù hay khắc khẩu với Bắp Ngô, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn luôn tin rằng hắn là một bác sĩ có tâm.
Chương 10.3
Ngày Chủ nhật, mùa đông vẫn lạnh se lòng, nhưng trời lại hửng nắng. Ánh nắng giữa mùa đông khiến không khí vốn khô đã trở nên khô rát hơn, nếu ai đã trải qua mùa đông ở Hà Nội sẽ cảm giác được sự khô khốc trên da thịt, trên môi mình mỗi lần một cơn gió hoặc ánh nắng rọi vào người. Tôi và Bắp Ngô chuẩn bị các loại thức ăn, thuốc thang cho bà và các cụ ở trại dưỡng lão. Chúng tôi chất đầy chúng lên chiếc xe ô tô màu ghi đi mượn của Bắp Ngô. Cả hai lên đường với niềm hân hoan khó lòng che giấu.
Tôi vui vì sắp được sà vào lòng bà, lại ngửi mùi trầu cay nồng vương vấn trên ngực bà, lại nghe giọng hỏi nhè nhẹ của bà “Cô là ai?”. Tôi đã không còn khóc khi nghe câu hỏi đó nữa, tôi nghĩ mỗi lần bà hỏi, tôi lại có cơ hội được nhắc để bà nhớ “Cháu là Trăng Thanh đây ạ” và mỗi lần như thế, mắt bà lại ánh lên niềm vui, một niềm vui rất mới.
Tôi không biết Bắp Ngô vui vì điều gì, chỉ thấy hắn cười và hát suốt dọc đường đi, thi thoảng quay sang tôi, kích động để tôi hát cùng. Chúng tôi vừa đi vừa hát nên cảm giác quãng đường lên trại dưỡng lão thật là ngắn. Thi thoảng tôi liếc trộm Bắp Ngô, hắn vẫn đẹp trai, điềm đạm, chín chắn chứ không có vẻ đêu đểu bất cần như Ria Mép. Một người đàn ông có vẻ ngoài như Bắp Ngô rất dễ khiến các cô gái tin cậy mà dựa vào, nhưng, tại sao Bắp Ngô lại “đi về lẻ bóng” thế nhỉ? Chẳng lẽ do yêu cầu của hắn quá cao? Mà cũng có thể do hắn quá kiêu? Chả biết được, cá nhân tôi thì thấy tính cách hắn đôi khi hơi khó chịu, chắc vì thế mà con gái gặp hắn vài lần đã chạy mất dép cũng nên.
Chúng tôi lên đến trại dưỡng lão và được chào đón bởi rất nhiều cái ôm, cái nắm tay của các cụ già. Không ở đâu lại quý người như ở đây, với các cụ, chỉ cần có người đến thăm thì đó là người nhà của cả trại, ai cũng muốn đến nắm tay, hỏi thăm dăm ba câu về sức khỏe và công việc của chúng tôi. Các cụ còn quây quần hết ở phòng bà tôi, nói chuyện rất rôm rả, đôi khi là những câu chuyện về quá khứ xa lắc lơ nào đó, đôi khi chỉ là những câu chuyện tưởng tượng không đầu không cuối. Nhưng, chẳng ai ngắt lời ai, các cụ lắng nghe nhau một cách hào hứng và đầy trân trọng. Có những câu chuyện lần nào lên tôi cũng được nghe ít nhất một lần, nhưng mỗi lần nghe lại tôi lại ứa nước mắt. Tôi thương bà, thương các cụ, mọi người ở đây dường như sống với quá khứ và sự tưởng tượng nhiều hơn là với nỗi cô đơn hiện tại. Đành rằng mỗi người có một hoàn cảnh đưa đẩy để vào đây, nhưng tất cả ở họ đều có một điểm chung, đó là sự cô đơn. Mà trong cuộc sống này, không có gì kéo người ta xích lại gần nhau hơn là sự cô đơn, cô đơn có khi giết chết tâm hồn một con người, nhưng có khi lại khiến trái tim họ trở nên rộng mở hơn để bao dung và cảm thông cho nhiều người khác.