“Đẹp trai quá! Cho bà thơm một cái được không?”
Ặc! Ô la la! Tôi suýt ngã ngửa khi nghe thấy lời đề nghị đó. Ôi, giờ thì tôi đã hiểu tại sao bà Tiến nói bà ấy “kỳ quặc” rồi! Trong thoáng chốc, tôi nhận ra Bắp Ngô đang hướng về tôi với ánh mắt cầu cứu tha thiết. Tôi đứng im, tảng lờ đi, định bụng sẽ trêu Bắp Ngô một trận. Bắp Ngô không thấy tôi có phản ứng gì thì vội vàng rụt tay lại:
“Không được đâu ạ! Cháu phải tập trung để khám cho bà chứ!”
Bà cụ chưng hửng, vẻ mặt thất vọng đến tội nghiệp. Một phần tôi thấy thương cụ, phần khác tôi nghĩ chuyện này cũng rất hay ho, cứ coi như Bắp Ngô sẽ học được một bài học vì thói kênh kiệu, coi mình là người đẹp trai nhất trần đời đi. Tôi đột ngột lên tiếng:
“Anh làm gì mà ghê thế, một cái thơm xã giao mà cũng chối là sao? Tội nghiệp cụ quá!”
Bắp Ngô trợn mắt nhìn tôi, bà cụ thì ngước mắt lên chờ đợi.
“Thơm một cái thôi mà!”
Ặc! Đây đúng là một bà cụ “biến thái” dễ thương. Tôi cười tủm tỉm, hùa vào:
“Kìa, anh làm như bà bị lây nhiễm không bằng ấy!”
Bắp Ngô lườm tôi, nhưng dưới ánh mắt chờ đợi của bà cụ, Bắp Ngô cúi xuống, chìa má mình ra, giọng nhỏ nhẹ:
“Một cái thôi bà nhé! Cái thơm này đáng lẽ cháu để dành cho cô gái kia cơ.”
Bắp Ngô chỉ tay về phía tôi, tôi đỏ mặt cúi xuống, hắn có muốn trả thù tôi vì tôi “kích động” bà cụ thì cũng không nên nói như thế giữa đông người chứ. Hắn ta quả không đơn giản như tôi tưởng.
Bà cụ vui mừng níu tay Bắp Ngô, rướn người lên thơm lên má hắn. Tôi thấy hắn vô cùng bối rối, còn bà cụ cười tươi hết cỡ. Ờ, được rồi, nếu anh cố tình móc mỉa làm tôi xấu hổ, thì tôi cũng sẽ cho anh biết tay cho chừa cái thói kiêu hãnh đi nhé. Nghĩ là làm, tôi vội vã nói to:
“Còn má bên kia nữa, trót thơm thì thơm hai bên cho nó cân.”
Lập tức, Bắp Ngô ném về phía tôi ánh mắt đầy căm hờn, nhưng không kịp nữa rồi, cụ già “biến thái” vươn người thơm chụt một cái vào má kia của Bắp Ngô rồi cười sung sướng. Bắp Ngô sững người sờ lên má mình rồi im lặng cúi xuống khám cho bà cụ mà không nói thêm lời nào.
Lúc đầu tôi có phần hả hê, nhưng sau đó, thấy thái độ của Bắp Ngô có vẻ không vui khiến tôi đâm ra lo lắng. Chẳng lẽ hắn giận tôi thật rồi? Tí nữa hắn mà giở chứng, không chở tôi về Hà Nội nữa thì phải làm sao đây? Trăng Thanh ơi hỡi Trăng Thanh, mày cứ sướng lên là bày trò, giờ xong xuôi đâu đấy, nghĩ đến hậu quả lại thấy hoang mang.
Tôi cứ nghĩ Bắp Ngô sẽ giận tôi đến tận lúc về, nhưng không phải, hắn thay đổi hẳn thái độ khi cùng tôi dìu bà tôi đi dạo quanh trại. Bà vẫn nhắc đến những câu chuyện khi tôi còn bé, vẫn nhắc đến mẹ tôi và tôi với niềm nhớ nhung không hề che giấu. Bà nói về con bé Trăng Thanh ngỗ ngược, đánh nhau với thằng hàng xóm đến “toạc” cả quần, về nhà còn hì hụi lấy kim khâu giày ra khâu quần. Bắp Ngô nghe kể đến đoạn đấy thì cười ha hả, hắn còn khéo léo gợi chuyện để bà kể “tội” tôi hồi bé nữa. Những chuyện về tôi thời quá khứ bà đều nhớ, nhớ không sót một chuyện nào, duy chỉ có tôi hiện tại là bà không nhận ra. Thi thoảng, bà lại nắm tay tôi ngơ ngác hỏi “Cô là ai?”. Tôi lại nhẹ nhàng trả lời “Cháu là Trăng Thanh đây bà ơi!”. Mỗi lần như thế, Bắp Ngô nhìn tôi với anh mắt thẳm sâu kỳ lạ. Tôi nhún vai mỉm cười, tỏ ý là tôi đã quá quen với điều này rồi.
Tôi và Bắp Ngô đỡ bà ngồi xuống bên chiếc ghế đá cạnh giàn hoa Hoàng Anh vàng rực, một cơn gió lạnh đột ngột lùa tới. Tôi chưa kịp phản ứng gì đã thấy Bắp Ngô cúi xuống, choàng lại chiếc khăn lên kín cổ cho bà. Bất giác, lòng tôi ấm lại khi nhìn thấy cử chỉ ấy, một vài sợi tóc lòa xòa rơi xuống trán Bắp Ngô khiến anh chàng này trở nên quyến rũ vô cùng. Tôi tự hỏi, tại sao tôi lại luôn có thái độ xa cách, khó chịu với người đàn ông này hơn là với Ria Mép nhỉ? Tại sao, những chuyện của Ria Mép lại khiến tôi bận tâm, còn những chuyện liên quan đến Bắp Ngô tôi lại dễ dàng bỏ qua và thờ ơ đến thế? Có lẽ, suy cho cùng, Bắp Ngô mang đến cho tôi sự nhẹ nhõm trong tâm hồn còn Ria Mép lại mang đến quá nhiều phức tạp khiến đầu óc tôi trở nên bấn loạn, nặng nề hơn. Tôi đã đánh giá sai Bắp Ngô chăng?
Chúng tôi chia tay bà khi trời đã sâm sẩm tối, bà nắm tay từng đứa rồi luôn miệng lẩm bẩm “Về nhé! Về nhé!”. Tôi thương bà vô cùng, ôm lấy bà một lúc rồi lặng lẽ lau nước mắt rơi trên má. Bà cùng các cụ cứ vẫy tay chào chúng tôi mãi cho đến khi chiếc xe chở chúng tôi lăn bánh xuống dốc. Tôi ngoái lại thêm một lần nữa, chỉ thấy những cánh tay của các cụ vẫy mãi, vẫy mãi... Tôi im lặng, Bắp Ngô cũng im lặng, chỉ còn bản nhạc không lời quen thuộc vang lên dìu dặt trong xe.
Về đến Hà Nội lúc hơn tám giờ tối, Bắp Ngô chở tôi đi ăn. Trong bữa ăn, Bắp Ngô lấy khăn ướt lau mặt, tôi nheo mắt nhìn hắn. Bắp Ngô như hiểu được thắc mắc của tôi, bèn giải thích: