Tất cả đám bạn của Việt Phương cũng mau chóng tụ tập, chào hỏi mọi người. Ai cũng vui vẻ khi thấy đám trẻ ngày nào giờ đã khôn lớn thành đạt.
- Bảo đến chưa? - Hải vừa bước vào nhìn khắp một lượt rồi hỏi Việt Phương.
- Chưa thấy đến. - Việt Phương và Thảo đang sắp bánh trên tấm phản lớn bèn đáp.
- Mới nhắc thì thấy đến rồi. - Hiển vui mừng reo lên khi thấy Bảo từ xa chạy xe đến, lập tức ra đón.
Bảo đến và mang theo hai thùng bia lớn, khệ nệ rinh vào, được Hiển đi ra trợ giúp. Cả hai vừa đi vừa cười nói vui vẻ.
Trong bàn tiệc, tất cả mọi người đều ngồi vào bàn tề tựu đầy đủ.
Ông nội Việt Phương vui vẻ đứng lên, giơ chum rượu trước mặt các chú bác anh em của mình, những người từng cùng ông cầm súng chiến đấu đánh đuổi quân giặc cướp nước mà nói:
- Thưa các đồng chí, hôm nay tôi nhìn đám trẻ của chúng ta giờ đã lớn, tôi cảm thấy rất vui! Tôi tự hào là chúng ta đã nuôi dạy chúng trở thành những người có ích cho xã hội. Bác Hồ - vị cha già, vị chủ tịch đáng kính của chúng ta đã có lời dạy thế này: ”Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.” Hôm nay, đám con cháu này của chúng ta đều có một sự nghiệp riêng, bằng cách này hay cách khác, dù sang hay nghèo, chúng cũng được xem là góp phần giúp đất nước đi lên chứ không phải phường trộm cướp dâm ô khiến đất nước đi xuống. Tôi cảm thấy mình đã nuôi dạy những thế hệ tương lai này theo đúng lời răn dạy của Bác và tôi tự hào về điều đó.
Mọi người đồng loạt gật đầu rồi vỗ tay hoan hô vang dội.
Ông nội Việt Phương chầm chậm hớp một ly rượu, đặt nhẹ nó xuống, ông quay sang bàn Việt Phương và mọi người nói:
- Mấy đứa nghe đây. Bác Hồ đã từng dạy: “Phải không sợ khổ, không sợ khó. Thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên. Gặp gian khổ phải đi lên phía trước. Khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người.” Mấy đứa có hiểu những điều răn dạy này hay không?
- Dạ tụi con hiểu! - Nam thay mặt mọi người đáp.
- Tốt, tụi bây phải làm theo những lời răn dạy này! Đứa nào mà dám làm sai, ông Hai không thèm nhìn mặt tụi bây nữa đâu. Có nghe chưa?
- Dạ nghe!
- Thằng Bảo đâu? - Ông nội bỗng gọi tên Bảo. - Đến đây tao bảo coi!
Bảo vui vẻ đứng dậy, tiến đến bên bàn ông nội Việt Phương. Ông vui vẻ vỗ vai Bảo:
- Ông Hai rất vui vì mày đã trở về đây. Có câu: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” nghe con. Không ở đâu mà bằng với quê mình cả. Dù đi đâu, mày cũng không được quên mày là người Việt Nam.
- Dạ! Ông Hai dạy rất đúng. - Bảo gật gù đáp. - Con vẫn tâm niệm trong đầu câu nói: “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Cơm Tây xem vậy chứ chẳng bằng cơm Việt mình, cho dù ở đó có như thế nào, thì với con nơi chôn rau cắt rốn mới là nơi con muốn ở nhất. Cho nên lần này quay trở về, con quyết định ở đây luôn không quay lại Mỹ nữa.
- Thật sao? Thằng này khá! Không uổng công ông Hai yêu thương mày, xem mày như con cháu trong nhà. Về đây đi, tìm một cô vợ tốt, ông Hai làm chủ hôn cho con! - Ông nội Việt Phương trong lúc vui vẻ lại có chút rượu cao hứng nói.
- Vậy thì phải nhờ ông Hai làm chủ giúp con!
- Được, ông Hai nhất định tìm một chỗ tốt mà làm mai cho con. - Ông nội Việt Phương vui vẻ gật đầu rồi chợt nhớ ra điều gì liền bảo. - Nhà ông còn con bé Việt Phương, nếu con không chê, thì ông gả nó cho con.
Biết ông nội Việt Phương nói đùa, nhưng Bảo vẫn đáp:
- Chỉ sợ Việt Phương chê con thôi.
Thế là mọi người hùa nhau gặng hỏi Việt Phương trêu đùa hai người. Bảo khẽ đưa mắt nhìn Việt Phương, hai má cô hơi ửng hồng trước lời trêu ghẹo của mọi người, cũng chỉ cười lắc đầu mà thôi.
Bảo bị mọi người ép uống khá nhiều bia rượu cho nên mặt mũi đỏ lên như trái gấc. Trong khi mọi người về hết, Bảo ra sau vườn nhà Việt Phương nơi có những gốc cây ăn trái lớn tỏa bóng mát rượi, nằm trên cái giường tre nghỉ ngơi.
Việt Phương dọn dẹp xong xuôi, cô pha một ly nước chanh đem ra cho Bảo. Dịu giọng gọi:
- Bảo nè, dậy uống một ít nước chanh đi cho giã rượu!
Bảo hé mắt ngồi dậy, đỡ lấy ly nước chanh ấm trong tay Việt Phương uống cạn một hơi rồi đặt xuống giường, ngẩng đầu nhìn Việt Phương. Việt Phương cười nói:
- Bảo bị mọi người ép uống nhiều như thế, trong người không sao chứ?
- Không sao. Bảo thấy vui vì mọi người vẫn yêu quý mình.
- Người dân quê mình là vậy mà. Sống rất tình nghĩa, không bao giờ quên ai hết.
- Uống nhiều rượu quá nên giờ cái bụng khó chịu quá! - Bảo đưa tay xoa bụng nói.